Sinh viên Mỹ chọn ngành vào cuối năm thứ nhất hoặc năm hai. Họ có thể chuyển ngành trong quá trình học hoặc học thêm chuyên ngành khác.
Chọn ngành là quyết định quan trọng, khó khăn đối với phần lớn sinh viên, vì nó ảnh hưởng nghề nghiệp, thu nhập tương lai, cũng như mức độ thành công của mỗi người.
Tổng số chương trình học thuật của các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ lên đến gần 1.500. Mỗi 10 năm, con số này lại tăng thêm 355 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
Không bắt buộc chọn chuyên ngành khi ứng tuyển
Số lượng ngành học lớn giúp sinh viên Mỹ có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng cũng khiến họ khó đưa ra quyết định. Quy định về việc chọn ngành ở Mỹ khá khác với Việt Nam, tạo thuận lợi nhất cho người học.
Trung Dũng, du học sinh Việt Nam tại Đại học California, cho biết hầu hết các trường tuyển sinh chủ yếu dựa trên điểm trung bình học tập (GPA), điểm bài thi đánh giá năng lực (SAT hoặc ACT) và điểm TOEFL, IELTS đối với sinh viên quốc tế.
Việc chọn chuyên ngành không bắt buộc. Một số trường yêu cầu thí sinh liệt kê chuyên ngành dự định theo học, nhưng ứng viên hoàn toàn có thể đánh dấu “undecided” hoặc “undeclared” nếu họ chưa chắc chắn.
Cũng theo nam sinh này, sinh viên Mỹ thường chọn chuyên ngành vào cuối năm học thứ nhất hoặc thứ hai. Tuy nhiên, theo bà Libby Elizabeth Rafferty, cố vấn tuyển sinh quốc tế Đại học San Jose, sinh viên nước ngoài bắt buộc phải nêu rõ chuyên ngành họ ứng tuyển khi nộp đơn nhưng được phép chuyển chuyên ngành trong quá trình học.
Hai năm đầu, sinh viên tham gia các khóa học họ hứng thú, dành thời gian xác định đam mê, cũng như năng lực của bản thân trước khi quyết định.
Những bạn đã xác định đam mê vẫn nên dành hai năm đầu tiên để khám phá thêm bản thân bằng cách học những lớp học mới hơn.
“Ở Mỹ, các bạn có thể chọn ngành thoải mái trong hai năm đầu tiên, miễn là phù hợp thời gian biểu và năng lực. Trong một học kỳ, các khóa học của một sinh viên có thể trải rộng khắp những ngành không liên quan nhau. Họ có thể chọn 5 lớp bao gồm Vẽ, Lịch sử, Kinh tế, Kỹ năng thuyết trình và Khoa học Máy tính”, Ngọc Sơn, sinh viên Đại học Earlham, cho biết.
Bà Laura Shier, Giám đốc Nghiên cứu tiếng Anh học thuật tại Đại học Lewis & Clark, khuyến khích sinh viên chọn các lớp ở nhiều ngành khác nhau để phát triển bản thân toàn diện, đồng thời có thêm nhiều sự lựa chọn khi quyết định chuyên ngành.
Dễ dàng chuyển chuyên ngành học
Tiến sĩ Alfredo R. Varela, Giám đốc Chương trình Quốc tế tại Đại học St Mary, cho hay sinh viên có thể chuyển ngành trong quá trình học, thậm chí chuyển từ một ngành xã hội sang ngành thuộc khối kinh doanh.
Thủ tục chuyển ngành không phức tạp nhưng đối với những người chưa lựa chọn các khóa học cần thiết cho chuyên ngành mới, họ sẽ phải mất thêm từ một đến hai năm để hoàn thành chương trình và nhận bằng.
Một điểm đặc biệt khác ở các trường đại học Mỹ là sinh viên có thể theo học hai chuyên ngành chính hoặc nhiều chuyên ngành phụ bên cạnh chuyên ngành chính.
Trường hợp có thêm ngành phụ khá phổ biến, số lượng sinh viên tốt nghiệp với hai chuyên ngành chính trở lên cũng không hiếm. Nhưng nếu vậy, sinh viên sẽ phải trải qua quá trình học tập vất vả.
Sinh viên Mỹ thường chọn ngành căn cứ 3 yếu tố chính là đam mê, năng lực và triển vọng việc làm, thu nhập.
Theo các nhà tuyển sinh đại học Mỹ, yếu tố được xem xét nhiều nhất là đam mê. Tuy nhiên, tiến sĩ Varela khuyên sinh viên nên cân bằng giữa sở thích và năng lực.
Họ sẽ được phụ huynh, giáo viên trường trung học, cũng như đại học tư vấn để đưa ra quyết định ngành học.
Ngọc Sơn cho hay: “Ở trường mình, mỗi sinh viên sẽ có một giáo sư hướng dẫn về định hướng chương trình học. Đầu mỗi học kỳ, giáo sư có một buổi nói chuyện với sinh viên về lịch học kỳ này, qua đó thống nhất chương trình học và nhắc nhở sinh viên về các khóa học bắt buộc để đạt yêu cầu tốt nghiệp”.
Sơn cho biết thêm một số trường còn có trung tâm hướng nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên hoàn thiện CV, giới thiệu cơ hội thực tập cũng như việc làm. Các thông tin này thường được lấy qua hệ thống cựu học sinh và các tổ chức có liên kết với trường nên chủ yếu dành riêng cho học sinh của trường đó.
Cũng theo Sơn, sinh viên Việt Nam ở đây chọn ngành khá đa dạng. Thông thường, những bạn theo những ngành liên quan kỹ thuật sẽ xác định chuyên ngành trước khi ứng tuyển vào trường. Trong khi đó, du học sinh thuộc khối ngành xã hội và kinh tế thường đổi ngành nhiều lần hoặc học thêm ngành phụ.
Gần đây, Chính phủ Mỹ quyết định tăng thời gian ở lại nước này cho người tốt nghiệp khối ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán lên tới 3 năm. Chính sách mới có thể ảnh hưởng lựa chọn ngành nghề của du học sinh.
Nhiều bạn có thể sẽ chuyển ngành hoặc học thêm ngành chính liên quan 4 khối ngành này để có cơ hội ở lại lâu hơn. Các khối ngành khác, sau khi tốt nghiệp, sẽ chỉ được ở lại 12 tháng.